Nếu bạn đang cảm thấy khó chịu với những cơn ho dai dẳng, đi kèm đờm và đặc biệt là xuất hiện theo từng cơn – Rất có thể đây chính là tiếng chuông cảnh báo một vấn đề sức khỏe đang âm thầm tiến triển trong cơ thể bạn.
Vậy, làm sao để nhận biết mức độ nguy hiểm khi ho từng cơn có đờm? Khi nào cần đi khám? Tất cả sẽ được giải đáp rõ ràng, chi tiết trong bài viết dưới đây!

1. Viêm phế quản cấp tính – Nguyên nhân ho từng cơn có đờm thường gặp nhất
Khi bạn vừa mới khỏi cảm cúm hay nhiễm lạnh, niêm mạc phế quản bị viêm, cơ thể sẽ tiết ra nhiều đờm để phản ứng lại. Đờm tích tụ khiến bạn phải ho từng cơn để tống ra ngoài, thường xuất hiện trong vài ngày đầu và kéo dài đến 2–3 tuần.
Triệu chứng dễ nhận biết:
-
Ho khan vài ngày, sau đó chuyển sang ho có đờm.
-
Đờm loãng, màu trắng hoặc vàng nhạt.
-
Sốt nhẹ, đau rát cổ họng, mệt mỏi, khò khè nhẹ.
⚠️ Mức độ nguy hiểm: Thấp. Viêm phế quản cấp thường tự khỏi nếu nghỉ ngơi và chăm sóc đúng cách. |
2. Viêm xoang
Không phải ai cũng nghĩ rằng… cái mũi lại có thể gây ho! Nhưng thực tế, dịch mủ từ xoang chảy ngược xuống cổ họng (đặc biệt vào đêm và sáng sớm) sẽ kích thích niêm mạc họng, gây ho có đờm kéo dài.
Triệu chứng điển hình:
-
Ho dai dẳng, từng cơn (nhiều nhất vào sáng sớm hoặc khi nằm).
-
Đờm trắng, nhầy, đôi khi vướng cổ họng.
-
Nghẹt mũi, sổ mũi, đau đầu vùng trán hoặc quanh hốc mắt.
⚠️ Mức độ nguy hiểm: Trung bình. Không gây biến chứng nguy hiểm ngay, nhưng dễ dai dẳng, tái đi tái lại, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và giấc ngủ. |
3. Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD)
Nếu bạn hay bị ho về đêm, kèm theo cảm giác nóng rát ở ngực hay hay ợ hơi sau khi ăn, có thể nguyên nhân ở dạ dày. Khi axit từ dạ dày trào ngược lên trên, nó không chỉ làm khó chịu mà còn gây kích ứng cổ họng, dẫn tới ho từng cơn, thường kèm đờm nhầy trong.
Triệu chứng thường gặp:
-
Ho từng cơn, đặc biệt sau khi ăn no hoặc về đêm.
-
Có cảm giác nóng rát vùng ngực, ợ chua, khàn tiếng.
-
Đờm trong, nhầy, không đặc.
⚠️ Mức độ nguy hiểm: Trung bình. Không gây tử vong nhưng có thể khiến ho kéo dài khó chịu, ảnh hưởng đến họng, giấc ngủ. |
4. Hen phế quản (hen suyễn)
Hen khiến đường thở nhạy cảm, dễ co thắt và tiết nhiều đờm. Khi tiếp xúc bụi, phấn hoa, khói thuốc…, người bệnh ho từng cơn dữ dội, có thể kèm khò khè và đờm trắng loãng.
Dấu hiệu nhận biết:
-
Ho từng cơn, thường xuất hiện về đêm hoặc sáng sớm.
-
Có thể kèm khò khè, tức ngực, khó thở.
-
Đờm thường loãng, nhầy, màu trắng.
⚠️ Mức độ nguy hiểm: Cao nếu không kiểm soát tốt. Hen có thể gây cơn khó thở cấp nguy hiểm đến tính mạng. |
5. Viêm phổi
Viêm phổi không chỉ đơn giản là một cơn ho. Khi vi khuẩn hoặc virus tấn công phổi, sẽ gây ra ổ nhiễm trùng khiến người bệnh ho từng cơn nặng, đờm dày, đôi khi có mủ hoặc mùi hôi.
Triệu chứng rõ ràng:
-
Ho từng cơn, đờm màu vàng, xanh hoặc có mủ, mùi hôi.
-
Sốt cao, rét run, đau tức ngực khi hít sâu.
-
Thở nhanh, mệt mỏi, có thể tím môi nếu nặng.
⚠️ Mức độ nguy hiểm: Cao. Viêm phổi nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, đặc biệt ở người già và trẻ nhỏ. |
6. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
COPD giống như “căn bệnh của tuổi già” và đặc biệt phổ biến ở người hút thuốc lâu năm. Đường thở bị tổn thương mạn tính, tiết nhiều đờm và khiến bạn phải ho hàng ngày, từng cơn như một phần quen thuộc của buổi sáng.
Dấu hiệu nhận biết:
-
Ho kéo dài nhiều tháng, từng cơn, nhiều vào sáng sớm.
-
Đờm dai dẳng, màu trắng hoặc vàng.
-
Khó thở tăng dần, đặc biệt khi vận động.
⚠️ Mức độ nguy hiểm: Cao – không thể chữa khỏi hoàn toàn. Nếu không điều trị đúng, bệnh sẽ tiến triển nặng gây suy hô hấp, giảm tuổi thọ. |
7. Lao phổi
Một trong những nguyên nhân đáng lo ngại khi ho từng cơn có đờm dài là lao phổi. Vi khuẩn lao âm thầm phá hủy phổi, gây ra những cơn ho kéo dài trên 2–3 tuần, kèm đờm đục, đôi khi lẫn máu. Nếu bạn sụt cân không rõ lý do, ra mồ hôi ban đêm hoặc mệt mỏi kéo dài – đừng chần chừ, nên đi khám lao càng sớm càng tốt.
Dấu hiệu nghi ngờ:
-
Ho dai dẳng > 2–3 tuần, có đờm đục hoặc lẫn máu.
-
Sốt nhẹ về chiều, đổ mồ hôi ban đêm.
-
Sụt cân không rõ lý do, mệt mỏi, ăn kém.
⚠️ Mức độ nguy hiểm: Rất cao. Lao phổi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không phát hiện sớm. |
8. Ung thư phổi
Không ai muốn nghĩ đến ung thư khi bị ho, nhưng thực tế, ho từng cơn có đờm – đặc biệt là ho ra máu, khàn tiếng, đau ngực – có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư phổi. Căn bệnh này tiến triển âm thầm, dễ nhầm với các bệnh hô hấp thông thường. Đặc biệt nguy cơ cao ở người hút thuốc lâu năm và trên 40 tuổi.
Dấu hiệu cảnh báo:
-
Ho kéo dài không rõ lý do, đờm có thể lẫn máu.
-
Khàn tiếng, khó thở, đau tức ngực.
-
Sụt cân nhanh, mệt mỏi bất thường.
⚠️ Mức độ nguy hiểm: Cực kỳ cao. Ung thư phổi là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu. Nếu phát hiện muộn, tiên lượng rất xấu. |
Khi nào ho từng cơn có đờm có thể tự khỏi tại nhà – khi nào cần đi khám bác sĩ?
Không phải lúc nào ho từng cơn có đờm cũng là dấu hiệu nguy hiểm. Trong nhiều trường hợp, đây chỉ là phản xạ bình thường và có thể tự khỏi nếu chăm sóc đúng cách.
Có thể chăm sóc tại nhà nếu:
-
Ho mới xuất hiện sau cảm lạnh, thời tiết thay đổi.
-
Cơn ho nhẹ, không quá dữ dội, không làm mệt hoặc mất ngủ.
-
Đờm loãng, màu trắng trong, không mùi, không máu.
-
Không sốt cao, không khó thở.
-
Không có bệnh nền hô hấp mãn tính (hen, COPD…).
-
Tổng trạng vẫn khoẻ, ăn uống – sinh hoạt bình thường.
Trong trường hợp này, bạn có thể:

-
Nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể.
-
Uống đủ nước ấm để loãng đờm.
-
Dùng siro ho thảo dược, xông hơi mũi họng.
-
Súc miệng nước muối và vệ sinh mũi mỗi ngày.
Theo dõi trong 5–7 ngày. Nếu các triệu chứng giảm dần có thể tự khỏi.
CẦN ĐI KHÁM BÁC SĨ ngay nếu có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

- Cơn ho kéo dài hơn 7 ngày mà không thuyên giảm
- Đờm màu vàng đặc, xanh, có mùi hôi hoặc lẫn máu
- Sốt cao > 38,5 độ kéo dài trên 2 ngày
- Khó thở, thở nhanh, thở rít hoặc tức ngực
- Ho ảnh hưởng giấc ngủ, mệt lả, sụt cân, chán ăn
- Tiền sử mắc bệnh phổi mãn tính, hen suyễn, trào ngược, hoặc nghi ngờ lao phổi
- Đã dùng thuốc nhưng không cải thiện
- Người ho là trẻ nhỏ <5 tuổi, người cao tuổi, người đang điều trị ung thư/ghép tạng/suy giảm miễn dịch
Trong các trường hợp trên, cần được bác sĩ khám kỹ và làm xét nghiệm (X-quang phổi, xét nghiệm đờm, test lao, nội soi…) để chẩn đoán chính xác. Việc tự điều trị tại nhà có thể khiến bệnh nặng thêm, chậm trễ phát hiện bệnh lý nguy hiểm như viêm phổi, hen, lao, hoặc ung thư phổi.
Tình trạng ho từng cơn có đờm tưởng chừng nhỏ nhặt, nhưng lại có thể là dấu hiệu cảnh báo một loạt bệnh lý nghiêm trọng về đường hô hấp. Việc lắng nghe cơ thể, không xem nhẹ các triệu chứng và chủ động điều trị là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Câu hỏi thường gặp (FAQs)
1. Đờm màu gì là “báo động đỏ”?
Thường thì đờm trắng hoặc hơi trong là ổn. Nhưng nếu đờm chuyển xanh đậm, vàng, nâu hay lẫn máu. Khi ấy, đừng chần chừ, nên đi kiểm tra ngay.
2. Con mình bị ho có đờm theo từng cơn, mình nên làm gì?
Trước tiên, mẹ nên cho bé uống nước ấm, giữ ấm cổ, và theo dõi kỹ. Nếu con sốt cao, ho không dứt trong vài ngày hoặc khò khè, khó thở – hãy đưa bé đến bác sĩ. Đừng tự ý dùng thuốc nếu không rõ nguyên nhân nhé.
3. Có nên uống thuốc tiêu đờm không?
Có thể, nếu cảm thấy đờm làm nghẹt cổ, khó thở hoặc ho quá nhiều. Nhưng tốt nhất là nên hỏi dược sĩ hoặc bác sĩ để dùng cho đúng, vì mỗi người mỗi khác – không nên “nghe ai đó mách” mà uống liều.
4. Mẹo dân gian như mật ong, gừng có thật sự giảm ho hiệu quả?
Có đấy! Những cách này tuy đơn giản nhưng giúp dịu cổ, giảm ho khá tốt – nhất là với ho nhẹ. Tuy nhiên, nếu bạn thấy không đỡ sau vài ngày, thì cần tìm nguyên nhân rõ ràng.
5. Tại sao ho thường xuất hiện vào ban đêm?
Vì ban đêm nằm xuống, dịch trong mũi họng dễ chảy ngược, hoặc do không khí lạnh làm kích thích đường thở. Nếu bạn thường ho về đêm,có thể xem thêm nguyên nhân ho về đêm tại đây.
Nguồn tham khảo:
Coughing Up Phlegm
https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/24636-coughing-up-phlegm